AMC Group - Travel | Education | Immigration

Travel AMC

Cẩm nang du lịch, Điểm đến, Tin tức - 03/07/2023 - 72 Lượt xem

Bốn mùa ở cao nguyên đá Đồng Văn

Cao nguyên đá Đồng Văn mỗi mùa mang một vẻ đẹp riêng: mùa xuân đào mận khoe sắc, mùa hạ ngô xanh mướt, mùa thu tam giác mạch nở rộ và mùa đông sương giá.

Cao nguyên đá Đồng Văn có diện tích 2.356 km2 trải rộng trên bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Nằm ở độ cao trung bình khoảng 1.400 – 1.600 m, cao nguyên đá vẫn còn lưu giữ những dấu tích từ hoạt động kiến tạo của vỏ trái đất hàng chục triệu năm trước. Cột cờ Lũng Cú (ảnh) thuộc huyện Đồng Văn là ranh giới cực Bắc của Việt Nam.

Năm 2010, cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Khi đó, đây là công viên địa chất toàn cầu đầu tiên của Việt Nam và thứ hai tại Đông Nam Á. Đặc trưng vùng cao nguyên đá là những ngọn núi phủ đá xám xịt, địa hình vách núi, thung lũng, sông suối chia cắt mạnh, độ dốc lớn. Nhưng cũng chính nhờ những kiến tạo địa chất, cao nguyên đá mang vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ tạo tiềm năng du lịch lớn. Theo thống kê từ Sở Du lịch tỉnh, khoảng 65% du khách Hà Giang đến vùng cao nguyên đá.

Cửa ngõ cao nguyên đá Đồng Văn là huyện Quản Bạ. Tại thung lũng Quản Bạ ở thị trấn Tam Sơn, có một dãy núi vẫn thu hút nhiều người ngang qua là núi đôi cô Tiên. Núi Đôi cô Tiên mang hình thù đặc biệt, hai quả đồi không gồ ghề mà tròn như chiếc bát úp. Trong vùng, lưu truyền truyền thuyết về nàng tiên phải rời nhân gian về trời để lại đôi nhũ hoa nuôi con khôn lớn tạo thành hai ngọn đồi này.

Địa hình cao nguyên đá tương đối hiểm trở, những con đường nơi đây khúc khuỷu quanh co, cheo veo trên sườn núi. Trong ảnh là một đoạn đèo Mã Pì Lèng, một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam, nằm ở độ cao 1.200 m so với mực nước biển. Khung cảnh trên đoạn đèo dài 20 km choáng ngợp với những vách núi sừng sững cùng vực sâu hun hút. Từ trên đèo nhìn xuống là dòng sông Nho Quế vắt ngang.

Bên cạnh đèo Mã Pì Lèng có một con đường bộ cheo veo trên vách núi được gọi là vách đá trắng dài gần 4 km ở độ cao 1.700 m. Con đường này men theo vách núi với những hình thù, vân đá độc đáo. Từ vách đá trắng, du khách có thể nhìn xuống dòng Nho Quế và chiêm ngưỡng khung cảnh núi non kỳ vĩ.

Mỗi mùa, cao nguyên đá mang một vẻ đẹp riêng. Mùa xuân, cả cao nguyên bừng sáng khi hoa đào, hoa mận, hoa lê bung nở. Vùng đất trở nên trữ tình. Dưới nắng xuân, những sắc hoa trắng, hồng nổi bật bên những nếp nhà vàng. Những căn nhà được dựng theo kiến trúc trình tường đặc trưng của một số cộng đồng dân tộc thiểu số tại Hà Giang như Mông, Dao, Lô Lô. Những căn nhà tường được làm hoàn toàn bằng đất giúp mát mẻ vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông, mái lợp ngói âm dương.

Vào xuân, khi tiết trời ấm lên, bà con bắt đầu lên rẫy canh tác. Do tính chất thổ nhưỡng đặc thù khó để cây trồng phát triển, người dân nơi đây đã sáng tạo ra phương thức canh tác trên hốc đá. Mùa làm đất mới, đàn ông kéo bò cày, phụ nữ mang từng gùi đất đổ vào hốc đá, gieo hạt, trẻ con theo người lớn lên nương.

Vào hạ, ngô bắt đầu tươi tốt. Màu xám quen thuộc của cao nguyên đá được thay bằng sắc xanh mướt mải. Cả cao nguyên mang một sức sống mới. Cùng với ngô, màu xanh của mùa hè Hà Giang còn được dệt nên bởi những nương lanh, những hàng sa mộc vươn mình thẳng tắp dưới thung lũng.

Tầm tháng 5, tháng 6 cũng là thời điểm người Mông tại Hà Giang thu hoạch cây lanh làm nguyên liệu dệt vải. Thời gian này, người phụ nữ Mông hái lanh, bóc vỏ lanh, giã lanh. Các bà, các chị luôn mang bên mình bó sợi để nối bất kỳ đâu, khi lên nương, đi chợ, lúc ở nhà.

Hà Giang sang thu từ khoảng tháng 9, báo hiệu bằng tiết trời se lạnh, gió hanh và những cơn mưa rào ngớt dần. Đặc biệt, tháng 10 đến tháng 11 là thời điểm tam giác mạch bắt đầu nở rộ tạo thành những thảm hoa hồng rực, bạt ngàn tựa tranh vẽ. Trong ảnh là một cánh đồng hoa tam giác mạch ở Phố Cáo, Đồng Văn.

Mùa thu, khi trời quang, mây tạnh, nước sông Nho Quế xanh như màu ngọc bích. Từ trên đèo Mã Pì Lèng nhìn xuống, dòng Nho Quế như một dải lụa vắt ngang sườn núi. Đến với sông Nho Quế, du khách có thể đi tàu hoặc chèo kayak thưởng ngoạn cảnh sắc đôi bờ, ngang qua hẻm vực Tu Sản dài 1,7 km với vách đá dựng đứng cao tới gần 900 m. Hẻm vực này được giới nghiên cứu đánh giá là một trong những danh thắng ngoạn mục bậc nhất cao nguyên Đá. Đây cũng là hẻm vực sâu nhất Việt Nam.

Sang tháng 12, khi mùa đông về, cao nguyên đá lạnh buốt. Mùa đông kéo dài sang tận tháng 1, tháng 2. Càng lên khu vực cao, nhiệt độ càng thấp, tùy năm có thể hạ xuống dưới 0 độ C, xuất hiện băng tuyết.

Vào mùa đông, cả cao nguyên ngập trong sương giá, phủ một màu âm u, tĩnh mịch. Trong ảnh là một góc bản Lao Xa, Sủng Là, Đồng Văn khi nhiệt độ hạ xuống -2 độ C.

Cao nguyên đá Đồng Văn cũng là khu vực sinh sống của khoảng 250.000 người dân đến từ 17 cộng đồng dân tộc thiểu số. Tại đây, nhiều bản làng còn giữ nét hoang sơ như Lô Lô Chải, Nặm Đăm, Lao Xa, Thiên Hương. Cộng đồng các dân tộc sinh sống trong vùng vẫn duy trì các nét văn hóa bản địa thông qua nếp sống, kiến trúc, ẩm thực, lễ tục. Ngoài ra, tại nhiều địa phương ở cao nguyên đá, các phiên chợ vẫn được duy trì. Đây được xem như là bảo tàng sống về văn hóa – đời sống của người Hà Giang.

Source: Xuân Phương – Vnexpress

Thẻ:, , ,

Bài viết liên quan

AMC Travel