Định cư tại Úc để được hưởng các chính sách giáo dục, y tế, bảo hiểm của chính phủ Úc là mong muốn của rất nhiều người. So với các diện visa định cư khác đòi hỏi yêu cầu cao về tay nghề hoặc tiềm lực tài chính, thì visa đoàn tụ gia đình, đặc biệt là kết hôn được xem là cánh cửa dễ dàng nhất để định cư tại Úc. Chính vì vậy, tỷ lệ nộp đơn xin visa hôn nhân/hôn thê của Úc bao giờ cũng cao nhất trong các diện visa định cư được nộp đến Bộ di trú nước này.
Những điều cơ bản về Visa kết hôn
Visa Kết Hôn (hay còn gọi là Partner Visa) là loại visa được ban hành dành riêng cho những đương đơn có vợ/chồng hoặc partner sinh sống tại Úc. Sau khi được cấp visa này, bạn không những có thể đến Úc để đoàn tụ với người thân mà còn có thể được hưởng những quyền lợi của thường trú nhân Úc.
Điều kiện để xin Visa Kết Hôn
Người bảo lãnh phải là thường trú nhân (PR) hoặc công dân Úc, hoặc công dân New Zealand đủ điều kiện. Đương đơn, là vợ/chồng hoặc partner của người đứng ra bảo lãnh, có thể nộp hồ sơ xin Visa Kết Hôn sau khi đơn xét duyệt tư cách của người bảo lãnh đã được thông qua.
* LƯU Ý: Tại Úc, các cặp đôi đồng tính hoặc các cặp đôi đã chung sống với nhau nhưng chưa đăng ký kết hôn (de facto partner) đều có quyền nộp đơn xin Visa Kết Hôn như các cặp vợ chồng.
Sự khác biệt giữa Visa Kết Hôn đăng ký trong nước (onshore) và ngoài nước Úc (offshore)
Hồ sơ xin Visa Kết Hôn được phân thành 2 trường hợp: dành cho người nộp đơn trong nước Úc (onshore) và dành cho người nộp đơn ngoài nước Úc (offshore).
Trường hợp xin visa trong nước Úc (onshore): Visa 820/801
Loại visa này yêu cầu đương đơn phải nộp đơn xin Visa tạm trú 820 trong địa phận nước Úc và cũng phải ở trong nước Úc tại thời điểm Visa 820 được cấp.
Quá trình xin visa được chia thành hai giai đoạn:
– Giai đoạn 1: Visa kết hôn tạm trú (subclass 820)
– Giai đoạn 2: Visa kết hôn thường trú (subclass 801)
Đương đơn sẽ nộp hồ sơ cho cả hai loại Visa 820 và 801 cùng một lúc. Thông thường, đương đơn chỉ được cấp Visa tạm trú 820 trước, và sau đó xin Visa thường trú 801 sau 2 năm kể từ ngày nộp đơn ban đầu.
Trường hợp xin visa bên ngoài nước Úc (offshore): Visa 309/100
Visa 309/100 cũng tương tự như Visa 820/801 kể trên, điểm khác biệt là đương đơn xin Visa 309 phải ở bên ngoài nước Úc (offshore) tại thời điểm nộp hồ sơ và khi được cấp visa. Quá trình xin visa cũng được chia thành hai giai đoạn:
– Giai đoạn 1: Visa kết hôn tạm trú (subclass 309)
– Giai đoạn 2: Visa kết hôn thường trú (subclass 100)
Tương tự như Visa 820 và 801 (onshore), đương đơn sẽ nộp hồ sơ cho cả hai loại Visa 309 và 100 cùng một lúc. Sau khi nộp hồ sơ xin Visa tạm trú 309 bên ngoài nước Úc và được thông qua, đương đơn có thể chuyển đến Úc sinh sống và sau đó xin Visa thường trú 100 sau 2 năm kể từ ngày nộp đơn ban đầu.
Mặc dù đều thuộc chương trình định cư theo diện kết hôn, nhưng trên thực tế, các yêu cầu và quy định đối với Visa Kết Hôn onshore và offshore lại có những sự khác biệt rất lớn, đặc biệt là đối với những trường hợp có người phụ thuộc là con cái đã trưởng thành.
Chuẩn bị hồ sơ xin Visa Kết Hôn
Có 4 yếu tố chính ảnh hưởng đến việc chứng minh mối quan hệ vợ chồng hoặc de facto partner trong hồ sơ Di trú (The 4 pillars). Và khi nộp hồ sơ cho Bộ Di Trú, bạn cần chứng minh rằng hồ sơ của bạn thoả cả 4 điều kiện này, bao gồm:
– Ràng buộc về mặt tài chính (Financial aspects)
– Chia sẻ cuộc sống gia đình hàng ngày (Nature of the household)
– Công nhận của xã hội (Social aspects)
– Cam kết giữa hai người (Personal commitment)
Visa thường trú (PR) trực tiếp
Thông thường trong hầu hết các trường hợp, đương đơn xin Visa kết hôn chỉ được cấp Visa tạm trú trước. Tuy nhiên, nhiều khách hàng được cấp PR trực tiếp mà không cần thông qua 2 năm tạm trú nếu đương đơn có thể đáp ứng một số điều kiện nhất định. Trong đó, điều kiện quan trọng và thường thấy nhất đó là chứng minh mối quan hệ lâu dài (long-term relationship) với người bảo lãnh.
Mối quan hệ lâu dài được định nghĩ như sau:
– Trong trường hợp có con chung: người bão lãnh và đương đơn có mối quan hệ hôn nhân duy trì liên tục ít nhất 2 năm;
– Trong trường hợp không có con chung: người bão lãnh và đương đơn có mối quan hệ hôn nhân duy trì liên tục ít nhất 3 năm.
* LƯU Ý: Khoảng thời gian này được tính thời điểm nộp hồ sơ (time of application).
Những hồ sơ có mối quan hệ lâu dài có thể trực tiếp được cấp PR mà không cần phải chờ 2 năm tạm trú.
Những trường hợp đặc biệt của Visa kết hôn
Yếu tố quan trọng nhất đối với Visa Kết Hôn chính là chứng minh tính xác thực và liên tục của mối quan hệ giữa đương đơn và người bảo lãnh. Vì vậy, trường hợp đương đơn đã được cấp Visa tạm trú 820 hoặc 309 nhưng lại không thể duy trì mối quan hệ hôn nhân (ly thân hoặc ly hôn), thì Visa tạm trú của bạn sẽ không thể được xét lên Visa thường trú 801 hoặc 100.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, kể cả khi mối quan hệ giữa đương đơn và người bảo lãnh tan vỡ, đương đơn vẫn có thể được cấp Visa thường trú (PR):
1| Có quyết định của toà án về việc đương đơn và/hoặc con cái là nạn nhân của bạo hành gia đình theo Bộ Luật Gia Đình (Family Law Act 1975);
2| Người bảo lãnh qua đời trong thời gian xét duyệt hồ sơ, nhưng vẫn phải chứng minh được tính xác thực và liên tục của mối quan hệ trong trường hợp người bảo lãnh vẫn còn sống, và đương đơn đã hình thành có các mối quan hệ cá nhân và công việc mật thiết tại Úc.
3| Đương đơn và người bảo lãnh có con chung, và đương đơn có quyền thăm nuôi và chăm sóc con cái theo quyết định của toà án dựa trên Bộ Luật Gia Đình (Family Law Act 1975).
Giới hạn bảo lãnh của Visa kết hôn
Trước năm 1996, Úc không có bất kỳ giới hạn nào về số lượng người được bảo lãnh theo diện kết hôn, điều này dẫn đến việc nhiều người đã lợi dụng kẽ hở pháp lý bằng cách “kết hôn giả” nhiều lần nhằm trục lợi. Do đó, Chính phủ Úc đã thông qua việc sửa đổi Luật Di Trú, tăng cường các chính sách hạn chế như hiện nay nhằm lấp đầy các kẽ hở.
Luật bổ sung các điều khoản giới hạn của Visa Kết Hôn được quy định trong mục 1.20J của Bộ Luật Di Trú 1994 (Migration Regulations 1994), lược dịch như sau:
Điều khoản này được áp dụng cho các loại visa sau:
a) Visa 820 kết hôn tạm trú đăng ký trong nước (onshore)
b) Visa 309 kết hôn tạm trú đăng ký tại nước ngoài (offshore)
c) Visa 300 đính hôn.
c) Visa 445 dành cho con cái phụ thuộc.
Nếu muốn nộp hồ sơ đăng ký các loại visa kể trên, đương đơn bắt buộc phải thỏa mãn tất cả các điều kiện sau:
a) Mỗi người chỉ có thể đứng ra bảo lãnh kết hôn tối đa hai lần trong đời (bao gồm cả vợ/chồng, hôn phu/hôn thê, hoặc de facto partner). Điều khoản này chỉ giới hạn số lượng người được bảo lãnh và không bao gồm lần được bảo lãnh của chính người đó (trong trường hợp người bảo lãnh hiện tại cũng từng là đương đơn được bảo lãnh định cư diện kết hôn trước đó).
b) Trong trường hợp đã từng bảo lãnh một người trước đó (bao gồm cả vợ/chồng, hôn phu/hôn thê, hoặc de facto partner), thì thời điểm bảo lãnh lần thứ hai phải cách thời điểm bảo lãnh lần đầu tối thiểu 5 năm.
c) Trong trường hợp người bảo lãnh hiện tại đã từng là đương đơn được bảo lãnh định cư diện kết hôn trước đó, thì thời điểm bảo lãnh người khác phải cách thời điểm được bảo lãnh trước đó tối thiểu 5 năm.
* LƯU Ý:
Dù là hạn chế tối đa 2 lần bảo lãnh hay thời hạn tối thiểu 5 năm thì điều kiện tiên quyết là bảo lãnh phải “được chấp thuận”. Có nghĩa là trong trường hợp đương đơn đã nộp đơn xin Visa Kết Hôn nhưng không được chấp thuận (có thể là do tự rút đơn hoặc do visa bị từ chối), khi đó vợ/chồng hoặc partner đứng ra bảo lãnh cho bạn sẽ không bị mất một lượt bảo lãnh hay bị hạn chế 5 năm. Tuy nhiên, “được chấp thuận” ở đây không chỉ đề cập đến việc được chấp thuận Visa thường trú 801 hoặc 100 (PR), mà còn bao gồm cả việc được chấp thuận Visa tạm trú 820 hoặc 309, và bao gồm cả Visa đính hôn 300.
Ví dụ minh họa:
Anh A đã nộp đơn xin bảo lãnh định cư cho vợ theo diện kết hôn và đã được cấp Visa tạm trú 820. Sau đó do tình cảm rạn nứt dẫn đến ly hôn, Visa thường trú 801 của người vợ đã bị từ chối. Mặc dù vậy, anh A vẫn bị tính là đã sử dụng hết một lượt bảo lãnh và phải đợi ít nhất 5 năm sau mới có thể bảo lãnh cho một người khác theo diện kết hôn.
Anh B cũng nộp đơn xin bảo lãnh định cư cho vợ theo diện kết hôn. Tuy nhiên, trong thời gian chờ cấp Visa tạm trú 820, do tình cảm rạn nứt nên anh B đã rút đơn bảo lãnh. Tại thời điểm đó Visa 820 vẫn chưa được duyệt. Vì vậy, trong trường hợp này, anh B không bị mất một lượt bảo lãnh nào và cũng không phải đợi 5 năm sau mới có thể bảo lãnh cho một người khác theo diện kết hôn.
Những cập nhật mới về visa kết hôn trong chương trình di trú Úc 2020 – 2021
Hạn ngạch Di trú dành cho Visa Kết Hôn 2020-21:
Trong Ngân sách Liên bang 2020-21 vừa được công bố ngày 6/10 vừa qua, Chính phủ Úc đã chính thức thông báo tổng hạn ngạch nhập cư cho năm tài chính 2020-21 sẽ không thay đổi ở mức 160,000 suất. Đáng chú ý, hạn ngạch dành cho các dòng Visa Kết Hôn tăng đột biến, từ 39,799 suất trong năm 2019-20 lên tới 72,300 suất trong năm 2020-21. Do đó, có thể nói 2020-21 chính là năm của Visa Kết Hôn!
Đặc biệt, Chính phủ cũng thông báo rằng những hồ sơ bảo lãnh vợ/chồng hoặc partner mà người bảo lãnh sống ở vùng thưa dân (regional) và hồ sợ nộp tại Úc (onshore) sẽ được ưu tiên xét duyệt trước. Đây là tin rất đáng mừng cho những cặp đôi đang trông ngóng được cấp Visa Kết Hôn, khi mà tính đến ngày 30/6/2020, số lượng hồ sơ xin Visa Kết Hôn còn tồn đọng lên đến gần 100,000 bộ hồ sơ.
Yêu cầu trình độ Tiếng Anh:
Tuy nhiên, trong Ngân sách Liên bang 2020-21, Chính phủ Úc cũng đã thông báo về việc sẽ đưa ra các yêu cầu mới về trình độ tiếng Anh đối với Visa Kết Hôn. Cụ thể, từ cuối năm 2021, cả người bảo lãnh (chưa phải là công dân Úc) và đương đơn được bảo lãnh phải đáp ứng trình độ tiếng Anh FUNCTIONAL (IELTS 4.5 hoặc PTE 30 hoặc tương đương trong vòng 12 tháng trước khi nộp đơn xin visa), hoặc chứng minh rằng họ đã nỗ lực học tiếng Anh. Đương đơn và người bão lãnh có thể chứng minh điều này thông qua việc hoàn thành 500 giờ học tiếng Anh miễn phí với Chương trình tiếng Anh dành cho người nhập cư (Adult Migrant English Program – AMEP)
Lưu ý, yêu cầu tiếng Anh này chỉ áp dụng cho những hồ sơ xin Visa Kết Hôn mới và chỉ áp dụng cho giai đoạn xét Visa thường trú 801/100, không áp dụng cho giai đoạn xét Visa tạm trú 820/309. Do đó, những đương đơn định cư theo diện kết hôn vẫn có thời gian để trao đồi trình độ tiếng Anh của mình.
Kiếm tra hành vi bạo lực gia đình:
Ngoài ra, nhằm giúp bảo vệ những người nhập cư dễ bị tổn thương khỏi những kẻ phạm tội bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Chính phủ Úc cũng sẽ yêu cầu thường trú nhân hoặc công dân Úc khi nộp hồ sơ bảo lãnh vợ/chồng hoặc partner phải tiến hành kiểm tra và đánh giá về hành vi bạo lực gia đình (Domestic Violence Check) trước khi có thể nộp đơn xin Visa Kết Hôn. Chính phủ cho rằng điều này sẽ giúp bảo vệ cho những người được bảo lãnh trước một mối quan hệ bạo lực tiềm ẩn dựa trên những thông tin được chia sẻ, trước khi họ tiến hành thủ tục nộp đơn và đóng phí xin visa.
* LƯU Ý: Những yêu cầu về trình độ tiếng Anh và kiểm tra hành vi bạo lực gia đình hiện vẫn chỉ đang là dự luật được đề xuất và chưa chính thức được Quốc hội Úc thông qua.
Sưu tầm