Dưới sức ép của Ủy ban châu Âu trong thời gian gần đây, sau nhiều lần chính phủ nhóm họp, Bulgaria đã quyết định sẽ chấm dứt chương trình đầu tư – nhập tịch.Bulgaria trải qua 1 năm đầy sóng gió trước khi chính thức chấm dứt. Đầu năm 2021, Quốc hội Bulgaria đã phê duyệt Đạo luật Quốc tịch Bulgaria mới. Trong đó, chương trình đầu tư – định cư Bulgaria sẽ:
– Bổ sung thêm các lựa chọn đầu tư
– Không cho phép đầu tư trái phiếu chính phủ
– Mức đầu tư tối thiểu 500.000 EUR (tăng gấp đôi lên 1 triệu EUR nếu lựa chọn lộ trình tăng tốc)
– Tăng yêu cầu đầu tư tối thiểu vào cổ phiếu
– Duy trì lộ trình chuẩn song song với lộ trình tăng tốc
– Tiến trình xử lý hồ sơ sẽ được đẩy nhanh hơn
Nhà đầu tư cũng có thể chọn tăng tốc thời gian chính phủ Bulgaria xử lý hồ sơ thông qua việc đầu tư gấp đôi mức quy định. Tuy nhiên, chỉ 1 năm sau đó, Bulgaria đã ra quyết định sẽ chấm dứt chương trình đầu tư – nhập tịch dưới áp lực của Ủy ban châu Âu (EC). Thông tin này đã được xác nhận và chờ chính thức triển khai với chữ ký của Tổng thống Bulgaria.
Đáng lưu ý, chính phủ Bulgaria cũng sẽ ngưng xét duyệt những bộ hồ sơ đang chờ đợi kết quả. Kể từ khi ra mắt chương trình vào năm 2013, đã có hơn 100 nhà đầu tư đến từ Nga, Trung Quốc và Trung Đông trở thành công dân châu Âu thông qua chương trình “hộ chiếu vàng” Bulgaria. Tổng số nhà đầu tư được nhập tịch thông qua tất cả các chương trình “hộ chiếu vàng” trên toàn châu Âu lên đến 130.000 người.
EC sẽ mạnh tay hơn với những thành viên bán quốc tịch
Trước đây, EC đã tiến hành thanh tra các hoạt động chương trình đầu tư – nhập tịch của Malta và Síp. Bulgaria do đã báo cáo lên EC sẽ tự nguyện ngưng chương trình nên không bị điều tra trong cùng đợt. Tuy nhiên, trong cuộc họp tháng trước của Hội đồng châu Âu, ông Didier Reynders, phụ trách Tư pháp của Ủy ban châu Âu đã thúc giục chính phủ Bulgaria xác nhận sẽ dừng chương trình đầu tư – nhập tịch.
Bên cạnh việc tác động để ngưng các chương trình đầu tư – nhập tịch của các quốc gia thành viên, EU cũng thành công trong việc cảnh báo các quốc gia khác không triển khai chương trình đầu tư – nhập tịch. Điển hình là trường hợp của Albania, khi EU cảnh báo chính phủ quốc gia này về việc triển khai chương trình đầu tư – nhập tịch sẽ ảnh hưởng đến tiến trình gia nhập EU. Moldova cũng phải đóng cửa chương trình đầu tư – nhập tịch do những áp lực cắt giảm viện trợ tài chính từ EU.